I wrote this back in 13/10/2015. Reposting it as reminder of current me and future me that this is still so true and relevant every passing day.
Tính từ giữa 2011 đến giờ, là hơn 4 năm một chút. Mình đã sáng lập ra 4 business, đầu tư vào 3, đóng của một và sắp khai trương cái thứ 5 trong lúc đang học cách điều hành một công ty phát triển bất động sản. Thời gian 4 năm là không hề nhiều, cũng chỉ bằng thời gian mình ở trường đại học. Vậy mà cũng trong quảng thời gian đó, mình đã học được biết bao nhiêu bài học và kinh nghiệm mà ở trường hình như thầy cô giáo quên dạy hoặc chắc do mình cúp cua…
Nhưng cái bài học quan trọng nhất của mình là gì, là 1. sự quan trọng của quỹ thời gian và 2. sự tập trung.
Thứ nhất. Thời gian của chúng ta là hữu hạn, mỗi người chỉ có 24 tiếng trong ngày. Thế thì tại sao có nhiều người lại thành công hơn những người còn lại? Đó là câu hỏi mình hay thường đặt ra cho chính mình. May mắn là một yếu tố quan trọng nhưng hầu như gần hết những người giỏi và thành công mà mình hay tìm hiểu thì họ đều sử dụng thời gian của họ rất hiệu quả. Họ biết thời gian của mình cần dành vào việc gì, và nói không với việc gì. Họ không có những buổi cà phê vô mục địch, họ không lướt facebook 2-3 tiếng một ngày hay họ không thể chịu nổi khi đặt mông xem TV. Họ hầu như dành hết thời gian có thể cho công việc và đam mê của mình.
Thứ hai. Sự tập trung. Điều này cũng có liên quan đến điều thứ nhất. Đó là sau khi sáng lập ra nhiều công ty và bây giờ điều hành một tập đoàn, mình nhận ra sự thành công ở biển lớn đòi hỏi sự tập trung cao độ về một lĩnh vực nào đó để trở thành một chuyên gia hoặc một trong những người dẫn đầu trong lĩnh vực đó. Chỉ khi bạn dành nhiều thời gian hơn những người còn lại cho lĩnh vực của mình thì bạn mới có thể đi nhanh hơn họ. Chỉ có như vậy thì bạn mới có khả năng và hy vọng thành công lớn.
Vậy thì một người trẻ tuổi nên làm thế nào? Có phải bạn nên dành tất cả thời gian và sự tập trung của mình vào một ý tưởng, một công ty? Hay là bạn nên làm hết business này rồi sang business khác để đúc kết kinh nghiệm?
Câu trả lời là…còn tuỳ. Tuỳ vào bạn đã thực sự biết mình muốn gì, đam mê gì, khả năng của bạn là gì, tin vào lý tưởng gì, muốn thay đổi gì ở xã hội ở thế giới này hay chưa? Tuỳ vào điều kiện tài chính của bản thân bạn thế nào, Tuỳ vào khả năng chịu đựng rủi ro của bạn. Tuỳ tuỳ và tuỳ…
Nếu bạn vẫn còn mơ hồ ở những điều trên, thì hãy trải nghiệm nhiều, hãy làm nhiều dự án càng tốt, học từ nhiều người và tham gia vào nhiều công ty. Trong quá trình đấy bạn sẽ tìm được một thứ, một mục tiêu, một đam mê mà từ đó sẽ là nơi bạn dành hết thời gian và sự tập trung cho nó.
Và chỉ khi đó, có thể bạn sẽ bắt đầu hiểu như mình: “Một nghề cho chín mới hơn chín nghề.”